Có ý kiến cho rẵng dạy học sinh làm thơ tốt hơn phân tích
Thay vì dạy cho học sinh cách làm thơ, chúng ta lại buộc các em phải phân tích thơ, việc mà cả sinh viên ngữ văn cũng khó làm được.
>> Những cản trở giáo dục STEM trong chương trình giáo dục mới
>> Một số trường quốc tế tiêu biểu và uy tín đào tạo ngành Logistics
Thơ là cách dùng từ cao cấp hơn văn xuôi. #Học_sinh đọc hiểu văn xuôi còn chưa đâu vào đâu, đọc thơ làm sao hiểu được? Đọc văn xuôi để hiểu nội dung còn đọc thơ phải hiểu ý của từng câu chữ và cả bài. Có thơ dễ đọc, có thơ khó đọc, đặc biệt là thơ dịch ra từ chữ Hán - Nôm. Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu còn dễ đọc, chứ Truyện Kiều của Nguyễn Du phải vừa đọc vừa tra từ điển tiếng Việt muốn mỏi tay.
Với quan điểm thơ giúp trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ và tư duy
Tôi chưa từng ngồi tụng như kinh để thuộc lòng thơ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thuộc lòng tất cả những bài thơ tôi từng đọc trong sách giáo khoa, kể cả bài đọc thêm. Những đoạn thơ ngắn học từ lớp hai đến nay, sau hơn 30 năm tôi vẫn thuộc làu. Tôi thích lẩm nhẩm bài thơ vừa học trong đầu đơn giản vì tôi thấy vần điệu nó hay, câu từ nó đẹp chứ không phải vì để được điểm cao. Thực tế, thơ giúp ích rất nhiều cho trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ và tư duy, chính vì vậy mà có người nói năng hay như thơ còn có người không biết diễn đạt ý mình như thế nào cho trôi chảy dẫn đến ngại giao tiếp và yếu kém trong kỹ năng xã hội
Với quan điểm văn thơ mà đọc xong rồi quên thì văn thơ đó không có giá trị nữa
Theo tôi, việc thuộc nhiều văn thơ chính là vốn từ, cách thức diễn đạt, nền tảng để người ta có thể sáng tạo ra tác phẩm văn thơ mới. Văn thơ mà đọc xong rồi quên thì văn thơ đó không có giá trị nữa, không còn là nguồn nuôi dưỡng tinh thần con người phát triển. Những nhà văn, nhà thơ giỏi thì chắc chắn họ sẽ thuộc nhiều tác phẩm văn thơ nổi tiếng từ những tác giả khác và đó là động lực, là cảm hứng để họ sáng tác mới. Bởi những gì lưu giữ trong trí nhớ thì có thể liên tưởng bất cứ lúc nào và suy diễn sâu xa, còn lưu trong sách vở và mạng internet chỉ có tác dụng duy nhất là lưu giữ mà thôi và người đọc mà xem xong rồi quên thì văn thơ đó trở nên vô nghĩa rồi
Lẽ ra phải dạy cho học sinh cách làm thơ thì chúng ta lại buộc các em phải phân tích thơ của người khác, việc mà cả sinh viên chuyên ngành ngữ văn cũng khó làm được. Chúng ta có thể xem những ca từ trong các bài hát sáng tác từ thập niên 2000 trở về trước. Ca từ của những bài hát hay, đi vào lòng người, bất hủ thường được phổ ra từ thơ. Còn bài hát sáng tác trong 20 năm trở lại đây, rất khó nghe vì ca từ không lọt lỗ tai. Không có thơ hay làm sao có ca khúc hay? Không có văn hay làm sao có kịch bản hay, phim hay?
Càng học nhiều, học sinh càng kém thơ văn. Vì sao?
Vì có ít sự đầu tư công sức nghiên cứu chương trình giáo dục. Cải cách tới lui chỉ là thêm vào sách cái này, bỏ bớt đi cái kia, cách thức biện pháp vẫn như cũ – tức là bình mới rượu cũ. Chẳng có ai tự hỏi, bắt học sinh học những thứ đó để làm gì, ứng dụng vào việc gì, làm nền tảng cho cái gì? Bao nhiêu thể thơ không dạy cho học sinh, cứ bắt học sinh phải đọc, phải thuộc, phải phân tích thơ người khác để làm gì? Lục bát, song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và thơ tự do.
Dạy học là dạy cho học sinh làm được (ở trình độ cơ bản nhất) cái mà người khác làm được. Dạy học mà học sinh không làm được thì dạy để làm gì ? Dạy văn thì học sinh phải biết viết luận. Dạy thơ thì học sinh phải biết làm thơ (có thể không hay nhưng vẫn gieo vần đúng).
Và Lịch Sử thì sao?
Văn đã thế, Lịch Sử còn khó chịu hơn. Toàn là những sự kiện không đầu không đuôi được ghép lại theo trình tự thời gian. Lịch sử có rất nhiều góc khuất. Người học phải biết phân tích, đào sâu vào những ngóc ngách ít ai để ý hoặc bị che lấp đi. Chứ không phải cứ chăm chăm học thuộc lòng các mốc sự kiện theo kiểu ngày/ tháng/ năm như một cái máy.
Môn Địa Lý thì hết sức nhàm chán mà lẽ ra nó phải dạy cho học sinh kiến thức về những danh lam thắng cảnh của Việt Nam, muốn đi đến những nơi đó bằng máy bay, tàu thuyền, xe cộ gì thi đi làm sao? Muốn quảng bá du lịch cho người Việt thì môn Địa Lý là thích hợp nhất. Học sinh ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường đã biết đến những danh lam thắng cảnh nào, ở đâu, đi như thế nào? Sau này khi trưởng thành, đi làm có tiền, chúng sẽ vác ba lô tự đi.
Tóm lại
Cải cách giáo dục thì phải bỏ chất xám ra nghiên cứu, trả lời cho những câu hỏi học cái gì, học cái đó để làm gì, học xong thì có kiến thức gì? Học sinh phổ thông chứ có phải nghiên cứu sinh tiến sĩ đâu mà dạy toàn những thứ cao siêu không áp dụng được vào thực tế.
Tác giả Tommy