Giành học bổng 9,3 tỷ đồng đến Đại học Johns Hopkins
Từng gây chú ý khi giành học bổng 9,3 tỷ đồng đến Đại học Johns Hopkins, sau 5 năm, Nguyễn Sao Ly trở thành nhà khoa học tại một công ty hoá sinh của Mỹ.
Sao Ly sinh năm 1993 tại Đà Nẵng. Năm 2009, cô sang Mỹ học phổ thông rồi trúng tuyển Đại học California, Los Angeles (UCLA). Năm 2016, Ly tốt nghiệp ngành Hóa Sinh, rồi xin ở lại làm trợ lý nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Một năm sau, cô gái Đà Nẵng trở thành hiện tượng khi được 8 đại học Mỹ cấp học bổng tiến sĩ, trong đó có học bổng 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins - ngôi trường trong top 5 thế giới về nghiên cứu Y học. Tại đây, cô nghiên cứu sâu ở mảng bộ máy cơ học của tế bào và vai trò của bộ máy này trong ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.
Sao Ly cho biết, trong năm đầu, cô được học những lý thuyết căn bản để trở thành một nhà khoa học, những năm còn lại cô làm việc tại phòng nghiên cứu, giải quyết những câu hỏi mà đề tài của mình đặt ra.
"Khó khăn lớn nhất là tự chèo lái dự án của mình nhưng cũng chưa chắc chắn đích đến ở đâu, là gì", Ly nói. Cô ví dụ, vì muốn nghiên cứu chức năng protein nên cô phải cố gắng tìm ra kiểu hình của tế bào đột biến knockout. Tuy nhiên, gần như trong hai năm đầu, cô không tìm ra được kết quả, có thí nghiệm phải dừng lại giữa chừng. Những thất bại như vậy có thể gây ảnh hưởng tới tài chính của lab, nhưng ngoài ra, theo Sao Ly, người làm khoa học sẽ dễ đổ lỗi cho bản thân nếu sau một thời gian dài cố gắng, họ vẫn chưa tìm ra được đáp án. Ly phải đọc rất nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học để có thêm ý tưởng, phải học cách giữ tâm lý lạc quan, tập cho bản thân tính cẩn thân, chi tiết và suy nghĩ thật kỹ để làm thí nghiệm hoàn hảo hơn.
"Khoa học là vậy, không phải câu hỏi nào cũng sẽ có câu trả lời, hay dễ dàng có được câu trả lời", Ly nói.
Tháng 5/2022, sau 5 năm, Ly tìm ra chức năng mới của protein mang tên Discoidin. Discoidin giúp tập hợp các thành phần chính của bộ máy cơ học của tế bào, được cho là bộ máy quan trọng để tế bào ung thư xâm lấn các mô khác. Sao Ly nói trước đó chưa có nghiên cứu nào được công bố biết rõ chức năng của protein này.
Tuy nhiên, bài báo của Ly nộp đến một tạp chí quốc tế về Sinh học tế bào được yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa khá nhiều. Thời điểm đó, cô chỉ còn 6 tuần trước khi bắt đầu kỳ thực tập, các giáo sư đều nghĩ cô cần ít nhất ba tháng để hoàn thành các yêu cầu của tạp chí. Đứng giữa quyết định chọn xuất bản bài báo khoa học sớm hay đi thực tập ở một tập đoàn lớn, Sao Ly chọn cả hai. Cô quyết tâm chỉnh sửa bài trong 6 tuần. Cuối cùng, bài báo của Ly hoàn thiện và được chấp nhận chỉ vài ngày trước khi cô bắt đầu thực tập, được xuất bản vào tháng 11/2022.
Ba tháng hè năm 2022, Sao Ly thực tập tại tập đoàn Novartis, một trong những "ông lớn" trong ngành sản xuất thuốc và liệu trình chữa bệnh. Chuyến thực tập này đã giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Cách đây hai tháng, cô gái Việt đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại khoa Hoá - Sinh học, Đại học Johns Hopkins.
"Giáo sư Douglas Robisnon, người hướng dẫn, nói với tôi rằng ông rất tự hào. Trong 19 năm giảng dạy, tôi là nghiên cứu sinh đầu tiên làm được điều này", Sao Ly kể. Kết quả nghiên cứu sau đó được Ly trình bày tại nhiều hội nghị của ngành tại Mỹ.
Eleana Parajon, nghiên cứu sinh Đại học Johns Hopkins, cho biết Ly đóng vai trò dẫn dắt nhiều đồng nghiệp trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Johns Hopkins. "Cô ấy làm việc vô cùng chăm chỉ và là động lực để tôi tốt hơn mỗi ngày", Eleana nói.
Sao Ly bắt đầu quá trình tìm việc vào khoảng tháng 10/2022. Ly cho biết, cô gặp khó khăn vì thời điểm cuối năm, phần lớn các vị trí đã được lấp đầy. Vì chỉ muốn làm ở chuyên ngành liệu pháp gen và tế bào (gene and cell therapy) nên cơ hội với Ly càng ít hơn. Ngoài ra, các công ty thường khắt khe khi tuyển dụng ứng viên quốc tế vì họ phải bỏ công sức và tiền để bảo lãnh visa làm việc.
Ban đầu, Ly có ba lời mời phỏng vấn và thất bại ở hai công ty trong số đó. Cô phải dành thời gian chỉnh sửa hồ sơ, kết nối với những nhà khoa học trong ngành, tìm lời khuyên. Ly sau đó nộp đơn ở nhiều nơi, rồi được 8 công ty mời phỏng vấn trong tháng 11/2022. Ly đã trúng tuyển 7 trong số đó, quyết định chọn Intellia Therapeutics, công ty do nhà khoa học Jennifer Doudna - người giành giải Nobel Hoá học năm 2020 cho cơ chế chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, sáng lập.
Ly nói, tại đây cô làm việc trong vai trò nhà khoa học (mid-senior level scientist) ở bộ phận Nghiên cứu và Phát triển. Cô sẽ nghiên cứu cải thiện liệu trình tế bào bằng phương pháp biến đổi gen để chữa những bệnh liên quan đến máu, nhất là ung thư máu. Sao Ly tiết lộ, mức lương mà cô nhận được khá tốt so với mức của một người vừa tốt nghiệp trong ngành y sinh ở thành phố Boston.
Làm tiến sĩ là một hành trình phát triển cá nhân và vượt qua chính mình, theo Ly. Cô cho biết chìa khoá giúp mình vượt qua thử thách là sự quyết tâm và khả năng phân bố thời gian, công việc hợp lý. Cô có thói quen lập kế hoạch làm việc chi tiết, nhiều thời điểm phải làm việc hơn 17 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, Ly cố gắng tạo dựng mối quan hệ với các giáo sư, đồng nghiệp trong trường, cũng như những người đi trước trong ngành công nghệ y sinh.
"Chặng đường theo đuổi ước mơ không ai giống ai và ai cũng có thử thách, gian nan, chỉ cần mỗi người đủ động lực và kiên trì đi theo con đường đã đặt cho chính mình", Ly nói.