Giáo sư Mỹ hai lần giành học bổng đến Việt Nam nghiên cứu

Giáo sư Mỹ hai lần giành học bổng đến Việt Nam nghiên cứu

Share Everywhere

Table of contents

Giáo sư Markus Daivid Taussig hai lần ứng tuyển học bổng Fulbright đến Việt Nam nghiên cứu về doanh nghiệp và hỗ trợ các nhà khoa học công bố quốc tế.

Tiến sĩ Markus Daivid Taussig, 50 tuổi, giáo sư chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, trường Kinh doanh Rutgers, Đại học Rutgers, Mỹ, hiện là học giả Fulbright tại Đại học Quốc gia TP HCM. Trở lại Việt Nam hồi tháng 8, ông hỗ trợ hai đại học quốc gia và Đại học Đà Nẵng tăng cường nhận thức về các công bố trên tạp chí quốc tế và tham gia hội thảo quốc tế.

"Tôi có mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp sâu sắc với Việt Nam. Tôi từng ở đây trong quãng đời thanh niên và khoảng thời gian ấy đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp của tôi", giáo sư người Mỹ mở đầu cuộc trò chuyện.

Chàng sinh viên Markus (thứ hai từ phải sang) và các bạn khác tham gia chương trình du học ngắn hạn đến Việt Nam năm 1993
Giáo sư Markus hiện sống cùng vợ và con trai tại TP HCM

Giáo sư Markus hiện sống tại TP HCM

Năm 1993, chàng sinh viên đại học Oberlin College, Mỹ, lần đầu tiên đến Việt Nam theo một chương trình ngắn hạn kéo dài một học kỳ. Mỗi ngày hai tiếng, Markus và các bạn được học tiếng Việt, đặc biệt là cách gọi đồ ăn và đếm. Kết thúc chương trình, ông trở lại Mỹ, tiếc nuối vì khoảng thời gian ngắn ngủi chưa đủ để tìm hiểu về đất nước này.

Trường đại học mà Markus theo học thuộc mô hình giáo dục khai phóng. Ở đó, sinh viên được đào tạo về nhiều lĩnh vực nhưng không chuyên sâu như đại học truyền thống. Sau khi tốt nghiệp, Markus vẫn chưa biết thực sự mình muốn theo đuổi công việc gì. "Điều duy nhất mà tôi biết đó là học kỳ du học tại TP HCM là khoảng thời gian rất thú vị. Tôi quyết định quay lại Việt Nam", giáo sư Markus kể, cho biết sau đó đã ngồi xe buýt ba tuần từ TP HCM ra Hà Nội vào năm 1993. "Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là những đứa trẻ đường phố", Markus nói.

Giáo sư Markus chia sẻ về cuộc sống của ông và gia đình trong thời gian ở Việt Nam nghiên cứu.

Markus thừa nhận ban đầu đến với Việt Nam vì sự tò mò về hệ thống kinh tế - chính trị và không rõ các doanh nghiệp tư nhân có đang tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội. Khi quay lại Việt Nam để làm đề tài nghiên cứu cho chương trình thạc sĩ năm 1998, Markus nhận thấy các doanh nghiệp đã tạo ra rất nhiều việc làm, giúp ích cho nền kinh tế và mang lại năng lượng tích cực. Để hiểu rõ hơn về nền kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Markus đã xin học bổng nghiên cứu sinh Fulbright (Fulbright U.S. Student Program).

Ông đã khảo sát 95 công ty lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó (dựa vào số lao động) tại Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội. Kết quả của khảo sát này sau đó đã được ông trình bày bằng tiếng Việt trong hội thảo vào năm 1999 tại Việt Nam.

>> Tốt nghiệp đại học, Đàn giành học bổng Khổng tử CIS để học tiếp lên thạc sĩ

"Tôi nhớ rất nhiều người có mặt hôm đó đang cầm tờ báo đọc nhưng khi tôi bắt đầu thuyết trình, họ rời mắt khỏi tờ báo, lắng nghe và có vẻ hiểu. Tôi đã phải thực hành rất nhiều lần với giáo viên tiếng Việt trước đó", Markus nhớ lại.

Năm 2005, Markus về nước học lên tiến sĩ để trở thành giáo sư kinh doanh. Công việc của ông là giảng dạy sinh viên ngành kinh doanh và làm nghiên cứu tập trung vào tương tác của doanh nghiệp với xã hội ở các nước đang phát triển. Với ông, được sống ở Việt Nam là cơ hội nghiên cứu tuyệt vời. Vì thế, Markus quyết định ứng tuyển chương trình Học giả Mỹ (Fulbright U.S. Scholar Program) lần thứ hai.

Bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho hay chương trình Fulbright ưu tiên các đơn đăng ký từ những cá nhân tham gia lần đầu tiên, nhưng cũng hoan nghênh những cá nhân như giáo sư Markus khi ông có thể chứng minh rõ ràng lý do tại sao nên được xem xét cho cơ hội thứ hai.

Bà Bartlett cho biết giáo sư Markus là một trong gần 1.600 người Việt Nam và Mỹ đã tham gia chương trình Fulbright tại Việt Nam. Mối quan tâm kéo dài nhiều thập kỷ của giáo sư Markus đối với Việt Nam bắt đầu từ khi còn là một sinh viên đại học. Sau hơn 20 năm, ông quay lại Việt Nam với tư cách là một học giả Fulbright, giúp Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM tăng cường giảng dạy nghiên cứu ở cấp đại học và chuẩn bị cho các nhà nghiên cứu có sự kết nối chặt chẽ hơn với các tạp chí và hội nghị quốc tế.

Ông cũng tình nguyện dành thời gian của mình để hỗ trợ dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) tài trợ bởi chương trình USAID, nhằm cải thiện chất lượng học thuật và tăng cường quản trị thể chế tại các trường đại học lớn của Việt Nam.

Theo giáo sư Markus, việc các nhà nghiên cứu ở Việt Nam có nhiều bài báo được đăng trên những tạp chí tiếng Anh uy tín sẽ giúp nâng cao danh tiếng của trường đại học trong nước. Tuy nhiên, thách thức với các nhà nghiên cứu Việt Nam là ngôn ngữ, thời gian và tiền bạc khiến họ chưa có nhiều nghiên cứu được đăng báo.

"Tôi luôn sẵn sàng đưa ra phản biện và lời khuyên cho các bài nghiên cứu. Tôi thường giới thiệu bản thân, cho mọi người địa chỉ email và hỏi họ nếu có công trình muốn tôi xem giúp, hãy gửi cho tôi", ông nói.

Hiện Markus giúp tổ chức nhiều buổi thảo luận cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ và giáo sư trẻ. Ông cũng phối hợp với các đồng nghiệp PHER tổ chức hội thảo trực tuyến thường xuyên với sự tham dự của các nhà nghiên cứu ở Mỹ. Họ sẽ giới thiệu các nghiên cứu chất lượng cao của mình với đồng nghiệp Việt Nam.

Giáo sư Markus (áo trắng, hàng trên) cùng các nghiên cứu sinh tại khoa Quản trị Kinh doanh (UEL), trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, hồi tháng 10
Giáo sư Markus (áo trắng, hàng trên) cùng các nghiên cứu sinh tại khoa Quản trị Kinh doanh (UEL), trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, hồi tháng 10

Theo Markus, điều này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam thấy được nghiên cứu chất lượng sẽ như thế nào, cách trình bày ra sao mà còn cho thấy quá trình nghiên cứu, thường gồm rất nhiều bài thuyết trình. Từ đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ nhận ra những điểm hạn chế trong công trình của mình và cải thiện. "Tôi hy vọng làm được nhiều hơn thế nữa", giáo sư nói.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh (UEL), trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, cho hay giáo sư Markus đã giúp trường đào tạo bậc cao và nâng cao năng lực nghiên cứu, công bố đỉnh cao trong khuôn khổ PHER và ngoài chương trình này. Ông cũng có bài giảng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ của UEL về chủ đề nghiên cứu kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á.

Theo tiến sĩ Liên, nghiên cứu khoa học trong trường đại học đã được quan tâm mạnh mẽ trong khoảng gần 10 năm qua và số lượng công bố đã tăng. Tuy nhiên, khoảng cách về chất lượng giữa hiện tại với những công bố trên tạp chí khoa học đỉnh cao còn rất xa. "Những hỗ trợ của Markus giúp cho giảng viên, nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh tiến sĩ có hiểu biết đúng và xác tín về nghiên cứu khoa học nghiêm túc và con đường để thực hiện", bà nói.

Giáo sư Markus cho hay mối duyên của ông với Việt Nam không chỉ liên quan đến hoạt động nghiên cứu mà còn trở nên bền chặt hơn khi vợ ông là người Mỹ gốc Việt. Lần trở lại Việt Nam này cũng đặc biệt với cậu con trai 13 tuổi tên Kiên. Markus muốn con biết về nguồn cội và hiểu hơn về Việt Nam. "Tôi nhận được nhiều điều tốt đẹp từ Việt Nam nên tôi muốn trả ơn và cống hiến cho đất nước này. Tôi có vợ, con mang trong mình dòng máu Việt Nam và nhiều người bạn tốt ở đây", giáo sư Markus chia sẻ.

Sau khi hoàn thành chương trình học giả Fulbright, ông sẽ trở lại trường Kinh doanh Rutgers, tiếp tục công việc dạy học. Markus nói đang nghĩ tới việc phát triển một khóa học mới về kinh doanh và xã hội ở các quốc gia đang phát triển, từ những trải nghiệm thực tế ở Việt Nam.

"Tôi chắc chắn sẽ trở lại Việt Nam thường xuyên", giáo sư nói.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
1 reaction

Add new comment

Restricted HTML

  • Allowed HTML tags: <a href hreflang> <em> <strong> <cite> <blockquote cite> <code> <ul type> <ol start type> <li> <dl> <dt> <dd> <h2 id> <h3 id> <h4 id> <h5 id> <h6 id>
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.

Bài viết liên quan

Thảo Vân - Nữ sinh trúng học bổng Mỹ hơn 8,5 tỷ đồng

Thảo Vân - Nữ sinh trúng học bổng Mỹ hơn 8,5 tỷ đồng

Thảo Vân thở phào nhẹ nhõm khi giành suất học bổng đến Mỹ, sau những căng thẳng trong quá trình làm hồ sơ và trượt ở vòng tuyển sinh sớm.
Đạt tại lễ tốt nghiệp WIT, tháng 8/2018

Vượt biến cố trở thành kỹ sư lương 200.000 USD ở Amazon

Trước khi trở thành kỹ sư tại Amazon với lương hơn 200.000 USD (4,7 tỷ đồng) sau thuế mỗi năm, Bắc Đạt suýt dang dở giấc mơ Mỹ khi gia đình phá sản.
5 kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

5 kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

Dưới đây là 5 kinh nghiệm giúp Minh Anh chinh phục thành công loạt học bổng thạc sĩ tại Mỹ:
10 đại học đào tạo Khoa học máy tính tốt nhất thế giới

10 đại học đào tạo Khoa học máy tính tốt nhất thế giới

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đứng đầu về đào tạo, nghiên cứu nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin năm 2023.
10 đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới

10 đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới

Đại học Harvard tiếp tục giữ vị trí số một thế giới về đào tạo và nghiên cứu Y khoa, 8 trong 9 trường còn lại đến từ Mỹ và Anh.