GS Nguyễn Trọng Toán (phải) và GS Roberto Camassa, một nhà toán học cũng vừa được nhận một giải thưởng khác của SIAM tại hội nghị quốc tế về sóng phi tuyến 2022

Hiệp hội toán học Công nghiệp và Ứng dụng Quốc tế SIAM

Share Everywhere

Table of contents

Giáo sư Nguyễn Trọng Toán nhận giải thưởng Toán học uy tín của Hiệp hội toán học Công nghiệp và Ứng dụng Quốc tế (SIAM). Giáo sư là Cựu sinh viên lớp Cử Nhân Tài Năng (1998 – 2002), Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Nhân vật “Nhà toán học trẻ lớn lên từ nương rẫy” của báo Thanh Niên, vừa được nhóm chuyên ngành sóng phi tuyến Hiệp hội toán học Công nghiệp và Ứng dụng Quốc tế SIAM trao giải thưởng T. Brooke Benjamin.

Nhà toán học “có duyên” với giải thưởng

Vừa qua, tại ĐH Bremen, Đức, trong khuôn khổ chương trình hội nghị quốc tế về sóng phi tuyến (một chuyên ngành trong lĩnh vực toán ứng dụng), Hiệp hội toán học Công nghiệp và Ứng dụng Quốc tế (SIAM) đã trao giải thưởng T.Brooke Benjamin cho nhà toán học Nguyễn Trọng Toán, GS ĐH bang Pennsylvania, Mỹ.

GS Barbara Prinari, Chủ tịch của chi nhánh nghiên cứu về sóng của hiệp hội SIAM, trao giải thưởng T. Brooke Benjamin cho GS Nguyễn Trọng Toán (phải)
GS Barbara Prinari, Chủ tịch của chi nhánh nghiên cứu về sóng của hiệp hội SIAM, trao giải thưởng T. Brooke Benjamin cho GS Nguyễn Trọng Toán (phải)

Đây là một trong số các giải thưởng quốc tế thuộc các nhóm chuyên ngành của SIAM, được mang tên GS T. Brooke Benjamin (1929-1995), một nhà toán học người Anh đã có những đóng góp lớn trong chuyên ngành sóng phi tuyến và cấu trúc mạch lạc.

Giải thưởng được trao 2 năm một lần, cho 1 cá nhân gần đây nhất có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc về sóng phi tuyến. Đây là một giải thưởng mới, lần trao giải đầu tiên được diễn ra năm 2016, và riêng năm đầu tiên này có 2 nhà toán học được giải. Như vậy, GS Nguyễn Trọng Toán là người thứ 5 được trao giải thưởng T. Brooke Benjamin về sóng phi tuyến.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, GS Đinh Nho Hào, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện toán học Việt Nam, một nhà toán học nghiên cứu trong lĩnh vực gần gũi với lĩnh vực nghiên cứu của GS Nguyễn Trọng Toán, cho biết đây là một giải thưởng quốc tế danh giá trong một chuyên ngành của lĩnh vực toán ứng dụng.

GS Hào nói: “GS Nguyễn Trọng Toán được trao giải thưởng vì những đóng góp sâu, rộng cho lý thuyết toán học của động học chất lỏng và chất khí. Đặc biệt, giải thưởng đã ghi nhận những đóng góp độc đáo của GS Toán để giải thích được tính ổn định của dòng chảy gần biên và lớp Prandtl.

GS Nguyễn Trọng Toán đề xuất các kỹ thuật rất sâu sắc và sáng tạo để giải thích một hiện tượng rất kỳ lạ về sự mất ổn định nhớt - hiện tượng quan sát được trong thực nghiệm từ những năm 1920s, nhưng chưa giải thích được về mặt toán học. Các đóng góp của GS Toán vượt ra ngoài khuôn khổ những vấn đề của sóng phi tuyến và được cộng đồng ghi nhận”.

GS Nguyễn Trọng Toán (trái) và GS ĐInh Nho Hào trong lần GS Toán về Việt Nam làm việc mới đây (hè 2022)
GS Nguyễn Trọng Toán (trái) và GS ĐInh Nho Hào trong lần GS Toán về Việt Nam làm việc mới đây (hè 2022)

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, sau đó hoàn thành luận văn cao học về toán với GS Lê Dũng ở ĐH Texas, San Antonio, Mỹ, Nguyễn Trọng Toán hoàn thành luận án TS ở ĐH Indiana vào năm 2009, sau đó làm sau TS ở ĐH Paris Pierre - Marie Curie, rồi làm cán bộ giảng dạy ở ĐH Brown.

Từ năm 2013, Nguyễn Trọng Toán bắt đầu làm việc ở ĐH bang Pennsylvania và được bổ nhiệm làm GS thực thụ (full professor) của ĐH này vào năm nay.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS Toán là phương trình đạo hàm riêng dạng hyperbolic và phân tán, động học chất lỏng, lý thuyết động học, và lý thuyết tương đối.

Trong số các nhà toán học người Việt thế hệ 8x, Toán là một trong số ít “có duyên” với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Năm 2018, Toán được nhận giải thưởng Centennial Fellowship của Hội toán học Mỹ. Năm 2019, Toán được Quỹ Simons (một quỹ tư nhân ở Mỹ) trao giải thưởng Simons Fellowship.

Thành công của các nhà toán học khích lệ học sinh yêu toán theo đuổi ngành toán

Theo GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, cho biết trong lĩnh vực toán học có nhiều giải thưởng quốc tế dành cho các chuyên ngành, nhưng từ trước đến nay có rất ít nhà toán học người Việt được các giải thưởng đó. Tuy nhiên, nếu so với các nước có trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội tương đương thì Việt Nam thuộc diện nước có nhiều nhà toán học được giải thưởng quốc tế.

GS Ngô Việt Trung bình luận: “Toán là một trong số các nhà toán học người Việt được cộng đồng toán học quốc tế đánh giá cao. Mấy năm trước anh được Hội toán học Mỹ trao giải Centennial Fellowship, một giải thưởng nhằm khích lệ những nhà toán học trẻ tài năng mà chưa được ghi nhận. Việc Toán tiếp tục được giải thưởng T.Brooke Benjamin sẽ thêm một sự khích lệ các thế hệ học sinh Việt Nam yêu toán theo đuổi ngành toán”.

Cách đây hơn 4 năm, Nguyễn Trọng Toán là nhân vật trong một bài viết của báo Thanh Niên, khi anh được Hội toán học Mỹ trao giải thưởng Centennial Fellowship, lúc đó anh chưa là GS.

Anh Toán năm nay 41 tuổi, quê gốc ở Nghệ An, theo gia đình vào khu kinh tế mới để trồng cà phê ở Đăk Lak. Anh là thanh niên đầu tiên trong làng của mình được bước chân vào giải đường đại học.

GS Nguyễn Trọng Toán (phải) kèm con trai học
GS Nguyễn Trọng Toán (phải) kèm con trai học

Trước đây, anh Toán từng tâm sự: “Tuy tôi lớn lên như một người nông dân trồng cà phê trong một ngôi làng nhỏ nhưng việc tôi đến với toán học lại khá tự nhiên. Thật vậy, ba mẹ tôi tin tưởng toán học và khoa học là tương lai, vì thế mà 4 anh em chúng tôi được đặt tên lần lượt là các môn khoa học: Toàn, Toán, Lý, Hoá. Hồi ấy, trong khi hầu hết những đứa trẻ trong làng tôi đã bỏ học do nghèo đói, thì anh em chúng tôi đều được đến TP.HCM học ĐH”…

Sau khi nhận giải thưởng T.Brooke Benjamin, anh Toán chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: "Tôi biết ơn SIAM đã ghi nhận một số kết quả mà tôi đã đạt được về lý thuyết toán trong cơ chất lỏng và khí. Những nghiên cứu này mở ra nhiều hướng mới triển vọng trong tương lai, và tôi hy vọng sự ghi nhận của SIAM sẽ tạo động lực cho nhiều bạn sinh viên và nghiên cứu sinh theo đuổi những hướng nghiên cứu đang rất nóng hổi này”.

SIAM có hệ thống giải thưởng gồm một số giải thưởng lớn, nhiều giải thưởng của các nhóm hoạt động… Hiện rất ít nhà toán học người Việt được các giải thưởng của SIAM. Cho đến nay, mới chỉ có GS Vũ Hà Văn từng được trao giải thưởng Polya, một trong số ít giải thưởng lớn của SIAM.

Như vậy, GS Nguyễn Trọng Toán là người Việt thứ 2 được một giải thưởng của SIAM, dù giải thưởng mà Toán đoạt được chỉ là giải thưởng của nhóm hoạt động trong hệ thống giải thưởng của SIAM.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
1 reaction

Add new comment

Restricted HTML

  • Allowed HTML tags: <a href hreflang> <em> <strong> <cite> <blockquote cite> <code> <ul type> <ol start type> <li> <dl> <dt> <dd> <h2 id> <h3 id> <h4 id> <h5 id> <h6 id>
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.

Bài viết liên quan

Thảo Vân - Nữ sinh trúng học bổng Mỹ hơn 8,5 tỷ đồng

Thảo Vân - Nữ sinh trúng học bổng Mỹ hơn 8,5 tỷ đồng

Thảo Vân thở phào nhẹ nhõm khi giành suất học bổng đến Mỹ, sau những căng thẳng trong quá trình làm hồ sơ và trượt ở vòng tuyển sinh sớm.
Đạt tại lễ tốt nghiệp WIT, tháng 8/2018

Vượt biến cố trở thành kỹ sư lương 200.000 USD ở Amazon

Trước khi trở thành kỹ sư tại Amazon với lương hơn 200.000 USD (4,7 tỷ đồng) sau thuế mỗi năm, Bắc Đạt suýt dang dở giấc mơ Mỹ khi gia đình phá sản.
5 kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

5 kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

Dưới đây là 5 kinh nghiệm giúp Minh Anh chinh phục thành công loạt học bổng thạc sĩ tại Mỹ:
10 đại học đào tạo Khoa học máy tính tốt nhất thế giới

10 đại học đào tạo Khoa học máy tính tốt nhất thế giới

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đứng đầu về đào tạo, nghiên cứu nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin năm 2023.
10 đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới

10 đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới

Đại học Harvard tiếp tục giữ vị trí số một thế giới về đào tạo và nghiên cứu Y khoa, 8 trong 9 trường còn lại đến từ Mỹ và Anh.