Thầy Hải cho rằng, không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh chưa ngoan
"Trên chặng đường đồng hành cùng học sinh, tôi luôn dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán cứng nhắc để thay đổi các em. Có lẽ, chính sự chân thành của tôi đã “cảm hoá” được rất nhiều học sinh" - thầy Trần Văn Hải - giáo viên Trường THPT Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) chia sẻ.
Gắn bó với những cô cậu học sinh cấp THPT - những em có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, thầy Hải luôn dành thời gian để tìm hiểu và lắng nghe. Từ đó, chia sẻ và cùng các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Thầy Hải không có quan niệm về học sinh cá biệt, đó chỉ là học sinh chưa ngoan, do thầy cô chưa thấu hiểu, chưa cảm thông và chưa đủ bao dung để hiểu học trò.
"Mỗi học sinh đều có câu chuyện riêng, các em nổi loạn vì rất nhiều lý do. Trên chặng đường đồng hành cùng học sinh, tôi luôn dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán cứng nhắc để thay đổi các em. Có lẽ, chính sự chân thành của tôi đã “cảm hoá” được rất nhiều học sinh.
Từ những cậu bé ngỗ ngược, ham chơi, các em trở nên ngoan ngoãn, chỉn chu học hành, cha mẹ yên tâm. Hạnh phúc của tôi là những điều giản dị như thế" - thầy Hải nói.
Các em trở nên ngoan ngoãn
Thầy nhớ mãi nam sinh nghịch ngợm, đã từng trượt cấp 3 vì lười học. Học chậm hơn các bạn cùng trang lứa 1 năm nên cậu học trò có tâm lý chán chường, nổi loạn để gây chú ý. Tình cờ gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của cậu học trò, thầy Hải chủ động tiếp cận em như một người bạn, cổ vũ động viên tinh thần và thúc giục em thực hiện ước mơ của mình.
Bằng kỹ năng sư phạm và tình cảm chân thành, thầy Hải đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cậu học trò ngỗ nghịch thi đỗ đại học, thực hiện ước mơ trở thành công an.
Giáo viên này cũng cho biết, bản thân ý thức rõ về trọng trách cao cả của nghề giáo. Đó là sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh nói riêng và toàn xã hội nói chung.
"Khi phụ huynh gửi gắm con em mình cho nhà trường, cho giáo viên chúng tôi, họ đã đặt kỳ vọng rất lớn. Đó là những kỳ vọng về sự thành công và tương lai tươi sáng. Điều đó vô tình tạo nên những áp lực, bởi trọng trách đặt lên vai của người thầy không hề nhỏ.
Để đáp lại sự kỳ vọng đó, tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, không ngừng nâng cao kỹ năng sư phạm. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có một khoá học sinh thành công. Sau khi tốt nghiệp các em có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với khả năng. Thành công nhất của một người thầy là các em tự tin, vững bước vào đời.
Đặc biệt, tôi luôn ý thức việc phải sống tử tế, làm việc công tâm và nỗ lực vươn lên. Bởi giáo viên chính là tấm gương sáng, những điều mà chúng tôi giảng dạy sẽ phần nào ảnh hưởng tới tư tưởng và nhân cách của các em” - thầy Hải bộc bạch.
Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy Trần Văn Hải - giáo viên Trường THPT Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của một nhà giáo. Đó không chỉ là dạy kiến thức văn hoá mà còn dạy người, dạy kỹ năng sống, đồng hành, chia sẻ cùng học trò trên chặng đường dài.
Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, bởi những người thầy không đơn thuần truyền đạt tri thức mà còn truyền cảm hứng, nâng đỡ, giáo dục nhân cách người học.
Kể về chuyện đời, chuyện nghề, bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc là nhiều nỗi vất vả, hy sinh thầm lặng của những người lái đò. Nhưng trên hết, họ vẫn tự hào về nghề, về tình cảm thầy trò gắn kết yêu thương, về những chuyến đò cập bến thành công.