Sách PDF đọc online - Tâm lý học đám đông
#Marketing vốn là cuộc chiến trong tâm trí khách hàng. Bởi vậy, càng thấu hiểu về tâm lí người tiêu dùng, càng dễ dàng giành phần thắng. “Tâm lí học đám đông” có thể nói là một tài liệu tham khảo kinh điển cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về cơ chế hoạt động của một đám đông.
Sự kiện nổi bật nhất của đám đông tâm lí là điều sau đây: dù những cá nhân họp thành nó như thế nào, dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân ấy giống nhau hay khác nhau ra sao, thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ, và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ và hành động.
Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Đám đông tâm lí là một tồn tại tạm thời, hợp thành bởi những yếu tố dị loại chỉ gắn kết với nhau trong một thời đoạn, chúng giống hệt những tế bào cấu thành một cơ thể sống nhờ kết nối với nhau thành một sinh vật mới, biểu lộ những tính cách rất khác biệt với tính cách mà riêng từng tế bào đã có. (Chương 1, quyển 1 “Tâm lý học đám đông”)
Gustave Le Bon (1841 – 1931)
Gustave Le Bon (1841 – 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời.
Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, những ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.
Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã #Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác phẩm Tâm lí học đám đông.
Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.
Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng.