Giáo viên hướng dẫn Nguyễn Minh Trung và hai tác giả của dự án giành huy chương bạc tại Genius Olympiad 2022

Lá bồ đề đã tẩy tế bào thịt lá và sấy khô chuẩn bị cho công đoạn tạo hình sản phẩm

Share Everywhere

Table of contents

Ngô Trần Thảo My và Nguyễn Thiên Ngân học sinh lớp 11HS Trường THPT Gia Định (TP.HCM) là tác giả của dự án giành huy chương bạc tại GENIUS Olympiad 2022: "Làm túi lọc trà từ hệ gân lá bồ đề".

Genius Olympiad 2022 là một cuộc thi về môi trường dành cho học sinh trung học được tổ chức thường niên của Terra Science and Education. Với thông điệp “Hãy cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Sáng chế túi lọc trà từ lá cây, hai nữ sinh ở TP.HCM ‘giật giải’ quốc tế

Thảo My (bên trái) và Thiên Ngân trình bày về công trình nghiên cứu túi lọc trà từ hệ gân lá bồ đề tại cuộc thi Genius Olympiad 2022
Thảo My (bên trái) và Thiên Ngân trình bày về công trình nghiên cứu túi lọc trà từ hệ gân lá bồ đề tại cuộc thi Genius Olympiad 2022

Hành động vì cộng đồng

Ý tưởng sáng chế được 2 bạn bắt đầu khi đọc báo chí nước ngoài về tình trạng ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm nói chung và ô nhiễm vi nhựa trong túi lọc trà nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.

Mặt khác, túi lọc trà truyền thống khi thải ra môi trường phải mất rất nhiều thời gian để phân hủy. Nhận thấy hai điều này, đôi bạn Thảo My và Thiên Ngân đã nghiên cứu và cho ra sản phẩm túi lọc trà từ hệ gân lá bồ đề.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn lá bồ đề, Thiên Ngân chia sẻ, trong quá trình tìm hiểu, chúng em thấy cây bồ để là loại cây được trồng khá rộng rãi ở Việt Nam. Cây có rất nhiều lá mà hiện tại nó chỉ có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, trang trí, thậm chí ở một số nơi lá rụng thành rác thải nên đã quyết định sử dụng nó để nghiên cứu khoa học và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Để cho ra thành phẩm túi lọc trà, hai nữ sinh cho biết, đầu tiên sẽ tiến hành thu lá bồ đề, chọn những lá còn nguyên, lá đã trưởng thành để nó có hệ gân lá ổn định, cứng; về tẩy rửa sạch các bụi bẩn, phơi khô. Sau đó sẽ tiến hành tẩy đi tế bào thịt lá bằng hỗn hợp nước và bột giặt sinh học; lúc này chiếc lá chỉ còn hệ gân.

Với cây bồ đề, hệ gân lá như mạng lưới, nó không để trà bị lọt ra ngoài nhưng vẫn có thể cho các hoạt chất trong trà thoát ra ngoài được. Cuối cùng là sấy khô mẫu và tạo hình dạng của sản phẩm. Hiện tại với quy trình sản xuất chuẩn đã được nghiên cứu kĩ lưỡng thì trong 2 ngày có thể sản xuất được 50 túi lọc trà từ hệ gân lá.

Lá bồ đề đã tẩy tế bào thịt lá và sấy khô chuẩn bị cho công đoạn tạo hình sản phẩm
Lá bồ đề đã tẩy tế bào thịt lá và sấy khô chuẩn bị cho công đoạn tạo hình sản phẩm

Phải mất hơn nửa năm nghiên cứu và thử nghiệm với không biết bao nhiêu khó khăn, Thảo My dường như vỡ òa khi nhận được tin dự án của mình giành huy chương bạc. “Mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng trong đầu em lúc nào cũng nghĩ phải làm và nhất định phải làm cho xong cái đề tài này. Hai đứa chúng em không có thích bỏ dở giữa chừng nên luôn động viên nhau và cùng nhau cố gắng làm".

Thiên Ngân nói và chia sẻ, cả 2 đều rất mừng vì đây là lần đầu tiên tham gia nghiên cứu và tham gia cuộc thi quốc tế. Khi biết được mình có giải và công trình nghiên cứu của mình được công nhận thì cả 2 gần như là vỡ òa, vui vì công sức của mình được mọi người công nhận và đánh giá tốt.

Bác Nguyễn Tôn Nghiêm, bố của Nguyễn Thiên Ngân rất tự hào khi nói về con gái: “Rất vui và hạnh phúc trước thành tích của con đạt được ngày hôm nay. Tuy nhiên, tôi chỉ xem đây là bước khởi đầu thuận lợi để con tự tin hơn trên con đường học vấn trong tương lai. Và luôn nhắc nhở con không được ngủ quên trên chiến thắng mà phải tiếp tục cố gắng phấn đấu hơn nữa”.

Thông qua dự án của mình, Thảo My và Thiên Ngân mong muốn có thể truyền được nguồn cảm hứng đến với các bạn trẻ hiện nay cùng chung tay, cùng nhau hành động bảo vệ môi trường. “Bởi vì với một phần công sức nhỏ của mỗi người thôi thì môi trường của chúng ta sẽ được cải thiện, dần tốt đẹp hơn. Dù chúng em còn nhỏ nhưng chúng em không ngần ngại mà góp công sức của mình vào việc bảo vệ môi trường”, Thảo My hào hứng.

Người tiếp lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ

Phía sau thành công của Thảo My và Thiên Ngân với công trình nghiên cứu khoa học ‘làm túi lọc trà bằng hệ gân lá bồ đề’ là hình bóng của thầy giáo chủ nhiệm luôn sát cánh, động viên và giúp đỡ hai em. Đó là thầy Nguyễn Minh Trung hiện giảng dạy bộ môn sinh học của Trường THPT Gia Định. Đồng thời là chủ nhiệm của đội tuyển nghiên cứu khoa học quốc tế. Thầy sẽ đảm nhận quản lý về mọi khâu của bên nghiên cứu khoa học quốc tế của nhà trường; từ khâu thành lập cho đến khâu xây dựng đề tài, làm hồ sơ, thủ tục cho các em đi dự thi, cũng là người dẫn đoàn sang Mỹ dự thi.

Chia sẻ về thầy của mình, Thiên Ngân nói: “Thầy Trung là người đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều trong việc nghiên cứu khoa học và trong việc học tập, rèn luyện. Thầy không chỉ là người thầy có chuyên môn tốt mà còn rất tâm lý với học sinh như người bạn. Em thấy rất may mắn và tự hào khi được là học sinh của thầy”.

Sau thành công của các em, thầy Trung cho biết, có giai đoạn rất căng thẳng, áp lực mà đầu rụng hết tóc. Thầy không chỉ phụ trách giảng dạy, công tác luyện thi học sinh giỏi và công tác nghiên cứu khoa học, mà còn đảm nhận gần 20 nhóm nghiên cứu khoa học.

Giáo viên hướng dẫn Nguyễn Minh Trung và hai tác giả của dự án giành huy chương bạc tại Genius Olympiad 2022
Giáo viên hướng dẫn Nguyễn Minh Trung và hai tác giả của dự án giành huy chương bạc tại Genius Olympiad 2022

"Nhưng tôi vẫn phải cố gắng vì cái mà tôi mong muốn là những giá trị mà tôi mang lại cho học sinh của tôi, giúp các em được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học, vận dụng được lý thuyết vào thực hành. May mắn các em có giải thì nhiều cơ hội sẽ đến với các em hơn. Giá trị đó tôi cho rằng ý nghĩa rất lớn đối với người làm nghề giáo”, thầy Trung tâm sự.

Thầy Nguyễn Minh Trung đã có 4 năm liên tiếp thành công khi hướng dẫn các công trình nghiên cứu khoa học giành giải cao tại cuộc thi Genius Olympiad. Bật mí về Genius Olympiad 2023, thầy Trung cho hay sẽ cùng các em tiếp tục hoàn thành những dự án còn dang dở và cho các em bắt đầu đăng kí các đề tài mới để nghiên cứu.

Genius Olympiad 2022 trao giải ngày 18.6 tại học viện Công nghệ Rochester (RIT) New York, Hoa Kỳ. Năm nay với 821 dự án và gần 1.000 học sinh trên 60 quốc gia tham dự. Đơn vị Trường THPT Gia Định (TP.HCM) đạt thành tích là đơn vị dự thi đạt giải thưởng nhiều nhất thế giới với 15 giải: 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 6 huy chương đồng và 2 giải Tư.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
37 reactions

Add new comment

Restricted HTML

  • Allowed HTML tags: <a href hreflang> <em> <strong> <cite> <blockquote cite> <code> <ul type> <ol start type> <li> <dl> <dt> <dd> <h2 id> <h3 id> <h4 id> <h5 id> <h6 id>
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.

Bài viết liên quan

Mô hình chia sẻ tài nguyên học liệu trực tuyến

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn đã sản sinh ra một loại hình tài liệu mới

Quản trị công nghệ và đổi mới - sách hay (PDF online)

Làm thế nào để doanh nghiệp quản trị công nghệ và đổi mới để đem lại lợi nhuận? Tài liệu này tập trung vào việc trả lời cho câu hỏi này

Quản lý và đổi mới công nghệ doanh nghiệp Việt Nam - Đọc online

Trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất rất hạn chế, các doanh nghiệp siêu nhỏ (hộ gia đình) ở nông thôn thường dùng lại công nghệ thải loại của thành thị

Quản trị công nghệ - Sách khoa học và kỹ thuật hay (PDF online)

Ở Việt Nam, cho đến nay công nghệ thường được hiểu là quá trình tiến hành một công đoạn sản xuất, là thiết bị để thực hiện một công việc