Những cột mốc phát triển não bộ của bé 0-6 tháng tuổi
Trong giai đoạn 0-6 tháng tuổi, não bộ phát triển thế nào, và khiến bé có những khả năng gì? Bố mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Trong 5 năm đầu đời, não bộ của bé phát triển vượt bậc và tiếp thu với tốc độ vũ bão. Bố mẹ hãy xem những cột mốc phát triển trong 6 tháng đầu, để có những tác động phù hợp với bé yêu của mình nhé!
Biết cười với bố mẹ
Khi được khoảng 6 tuần tuổi, bé bắt đầu biết mỉm cười với người khác, do thị giác phát triển đủ để bé có thể tập trung nhìn vào từng người và có phản ứng. Đây là dấu hiệu của sự phát triển cảm xúc. Chẳng hạn, bé có thể cười mỉm khi được cho ăn hay có bố mẹ chơi cùng. Tuy nhiên, không phải bé cứ cười là vui, mà có thể chỉ là phản xạ vô điều kiện thôi. Những nụ cười “phản xạ” này thường ngắn, nên có thể coi đó là dấu hiệu để bố mẹ phân biệt nụ cười “thật” với nụ cười “vô tình” của bé.
Em bé nhìn bố mẹ cho thấy có sự phát triển não bộ.
Trẻ biết nhìn cha mẹ cười là dấu hiệu cho thấy não trẻ phát triển não bộ.
Biết tập trung và dõi theo các khuôn mặt
Lúc mới sinh, thị lực của bé chưa hoàn thiện, nên tầm nhìn giới hạn, chỉ khoảng 30cm. Sau 2 tháng tuổi, tầm nhìn được mở rộng, bé có thể tập trung và dõi theo gương mặt của mọi người. Lúc này cũng là thời điểm các nơ-ron thần kinh của bé bắt đầu truyền tải thông tin nhanh hơn. Cho nên, bé cũng có thể thay đổi sự chú ý của mình từ mục tiêu này sang mục tiêu khác.
Bắt đầu bập bẹ
Bé sinh ra đã nghe được tiếng mọi người nói, nhưng chỉ đến khoảng sau 2 tháng tuổi, bé mới “đáp lại” được. Tất nhiên, bé chỉ bập bẹ những âm thanh đơn giản như “a” hay “ư”. Đến khoảng 5-7 tháng tuổi, bé mới thêm được phụ âm vào các từ mà mình phát ra. Thực tế, bập bẹ cũng là cách giúp bé luyện giọng trước khi học cách kết nối các từ để tạo ra ý nghĩa cụ thể. Đồng thời, từ đây, bé hiểu được chức năng xã hội của ngôn ngữ, bởi bé thấy mọi người đáp lại những âm thanh mà mình tạo ra.
Trẻ bập bẹ cho thấy sự phát triển não bộ của trẻ.
Nhìn theo người hay vật chuyển động
Thị lực của bé sẽ tốt dần lên theo thời gian, do sự phát triển nhanh chóng của thùy chẩm trong giai đoạn từ khi mới sinh đến khi bé 8 tháng tuổi. Thông thường, khi 2 tháng tuổi, bé có thể tập trung vào một điểm nhìn hoặc phân biệt một số màu cơ bản. Khi 3 tháng tuổi, bé sẽ dễ bị bất ngờ khi nhìn thấy một vật gì đó và có thể nhìn theo vật đó khi nó xuất hiện hoặc biến mất khỏi tầm nhìn. Đến 9 tháng tuổi, thị lực của bé sẽ tốt như của người lớn.
Trẻ biết nhìn theo người khác cho thấy khả năng phát triển não bộ của trẻ.
Bắt đầu cười ra tiếng
Bé thường bắt đầu cười thành tiếng vào khoảng 3 tháng tuổi rưỡi. Đây cũng là một cách phản ứng trước hành động của người khác, và là dấu hiệu của sự phát triển về khả năng xã hội của bé.
Thích chơi ú oà
Khoảng 4 tháng tuổi, bé bắt đầu hiểu hơn về sự vật và mọi người xung quanh. Trước đó, khi một sự vật không nằm trong tầm mắt, thì bé tin rằng vật đó không còn tồn tại. Tuy nhiên, dần dần, bé bắt đầu tin vào “tính lâu bền của vật thể” (hằng định đối tượng) - tức là, vật thể vẫn sẽ tồn tại dù mình không thấy nó. Niềm tin này sẽ bắt đầu khi kỹ năng lý luận và thùy trán của não phát triển, dẫn tới giai đoạn thử nghiệm của bé. Ví dụ, bé ném món đồ ra khỏi tầm mắt mình và bắt đầu nhận ra nguyên nhân - kết quả. Trò ú òa cũng là một kiểu thử nghiệm, trong đó, bé kết hợp khả năng suy luận với sự thích thú đối với gương mặt người khác.
Thích nhìn vào gương
Đây là cột mốc không thể thiếu trong quá trình phát triển của bé. Trong giai đoạn từ 4-7 tháng tuổi, dù vẫn chưa biết người trong gương chính là mình, nhưng bé vẫn thấy hứng thú với những gì mình thấy trong gương, do nhận thức về mặt hình ảnh của bé đang được cải thiện.
Trẻ nhìn vào gương đánh dấu cột mốc phát triển não bộ của trẻ.
Bắt đầu bắt chước các âm thanh
Các em bé có thể nghe và xử lý âm thanh từ trong bụng mẹ! Và khi được sinh ra, thần kinh của bé phát triển nhanh chóng, trước hết là khả năng nghe và ngôn ngữ. Do đó, từ khoảng 5 tháng tuổi, bé sẽ có thể bắt chước ngữ điệu của những người xung quanh, dù không phát âm ra được thành từ trọn vẹn.
Cầm và chuyển đồ vật bằng tay
Khi thị lực tốt hơn, bé sẽ có thể cầm những vật to, cứng như lục lạc hay khối đồ chơi, vào lúc bé khoảng 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc cầm những món đồ nhỏ thì khó hơn, vì việc này đòi hỏi sự kết hợp tay-mắt, vốn phụ thuộc vào sự phát triển của thùy chẩm. Ngoài ra, não của bé cũng cần thời gian để cải thiện các kỹ năng vận động tinh, do tiểu não điều khiển. Khi khả năng phối hợp và kiểm soát cơ bắp của bé đủ mạnh, bé sẽ điều khiển chân tay tốt hơn. Ví dụ, bé 6 tháng có thể chuyển đồ vật giữa hai tay và kéo đồ vật lại gần mình.